Vu Pham's Personal Blog

Saigon, Vietnam

Công việc có định nghĩa con người bạn!

11 phút đọc

Ở bài viết trước mình có tóm tắt những ý chính về một video mình vô tình xem được trên Youtube. Bài này sẽ là những suy nghĩ của mình. Nội dung có liên quan nhiều đến bài trước nên nếu bạn nào chưa đọc thì có thể bấm vào đây .

Professions

Sau khi mình chia sẻ bài viết trước thì anh Trí Đặng có một bình luận rất hay. Đó là câu hỏi "Công việc có định nghĩa con người bạn?" là một câu hỏi không đúng. Câu hỏi đúng phải là "Bạn có để công việc định nghĩa con người bạn hay không?". Câu trả lời phụ thuộc vào thái độ của bạn đối với công việc bạn làm. Nếu bạn xem nó là một điều quan trọng trong đời và dành nhiều thời gian, tiền bạc và thậm chí sức khoẻ cho nó, thì tất nhiên bạn sẽ muốn nó là một phần của con người bạn chứ.

1. Công việc có định nghĩa con người bạn!

Trước tiên, ta phải phân biệt rõ ràng ba thứ: sở thích, công việc và sự nghiệp. Trên fanpage Triết học đường phố có một bài viết giải thích rất rõ ràng súc tích những khái niệm này (link ở cuối trang). Mình xin tóm tắt ngắn gọn như sau:

  • Sở thích: Những thứ bạn làm vì bạn thích. Những thứ bạn làm vì bạn thấy vui. Bạn không cần nó mang lại tiền bạc hay danh vọng gì hết.
  • Công việc: Bạn là một người trưởng thành thì bạn phải tự lo cho bản thân. Để lo cho bản thân thì bạn phải làm gì đó để kiếm tiền. Cái gì đó mà bạn phải làm ở đây chính là công việc. Bạn không cần yêu thích nhưng bạn phải, và nên có một công việc.
  • Sự nghiệp: Là công việc mà bạn yêu thích và dành cho nó một khoảng thời gian lớn của cuộc đời của bạn. Bạn muốn cống hiến. Bạn dồn hết tâm huyết, sức lực. Bạn xem nó là một phần không thể thiếu trong đời và bạn thấy cuộc sống của bạn vô nghĩa nếu thiếu nó.

Đến đây thì câu hỏi ở trên cơ bản đã có câu trả lời. "Bạn có để công việc định nghĩa con người bạn?" tuỳ thuộc vào việc bạn có quan tâm đến việc gầy dựng một sự nghiệp hay không.

Nếu bạn xem việc mà bạn đang làm 8 tiếng mỗi ngày chỉ là công cụ để bạn kiếm tiền. Sau đó dùng số tiền đó cho những sở thích của bạn. Thì câu trả lời của bạn là không.

Điều này không có gì sai. Không phải ai cũng có nhu cầu xây dựng sự nghiệp. Cuộc sống có thể chỉ cần sung sướng đủ đầy khoẻ mạnh hạnh phúc là được. Ngày đi làm, tối đi nhậu, cuối tuần đi mua sắm xem phim, cuối tháng lãnh lương, năm đi du lịch vài lần. Công việc chỉ là thứ phải làm để tồn tại. Không làm cái này thì làm cái khác, miễn là có tiền thì cuộc sống cứ thế trôi đi.

Nhưng có một câu hỏi khác mà bạn không có quyền trả lời, đó là "Xã hội có định nghĩa bạn qua công việc bạn làm hay không?". Câu trả lời là có, và bạn không thể làm gì để thay đổi câu trả lời đó hết.

List of people named David on Wikipedia Những người có tên David trên Wikipedia

Ảnh trên là danh sách những người có tên là David trên Wikipedia. Phía sau tên mỗi người là công việc mà họ làm giỏi nhất và được biết đến nhiều nhất. Bạn có thể thấy dù David Beckham làm rất nhiều việc khác nhau như cầu thủ bóng đá, người mẫu, kinh doanh... nhưng phía sau tên anh ấy là English footballer. Vì ảnh được biết đến nhiều nhất qua "sự nghiệp" quần đùi áo số. Hay nói cách khác, David Beckham được phân biệt với những người trùng tên qua việc tốt nhất mà anh ấy có thể làm được.

Dù bạn có muốn hay không thì xã hội cũng sẽ dùng hai thứ để nhận diện bạn. Thứ nhất là tên ba mẹ bạn. Ví dụ thằng A con ông B, nhỏ X con bà Y. Thứ hai là công việc mà bạn làm tốt nhất. Ví dụ anh A sửa xe đạp, cô B bán bánh bò. Xã hội sẽ dán nhãn và phân loại bạn. Và tất nhiên, bạn sẽ được đối xử tương ứng với cái nhãn mà bạn đang đeo. Cái thứ nhất bạn không chọn được, nhưng bạn luôn có khả năng tự mình chọn cái thứ hai.

Dù bạn có muốn hay không thì cũng phải thừa nhận là có những nghề nghiệp cao quý hơn những nghề khác. Bác sĩ, lính cứu hoả, giáo viên... những giá trị mà họ tạo ra cho xã hội không gì có thể đong đếm được. Mỗi năm có những ngày đặc biệt được chọn để vinh danh họ. Và họ hoàn toàn xứng đáng nhận được sự vinh danh đó.

Dù bạn luôn tự nhắc mình cư xử với người khác bình đẳng không phân biệt công việc họ làm, nhưng thực tế không phải màu hồng. Cuộc sống không công bằng và những điều tiêu cực vẫn cứ xảy ra. Vậy nên trong khi chờ đợi thế giới gỡ bỏ định kiến thì bạn đừng để mình trở thành nạn nhân của sự phân biệt.

Dù bạn không muốn công việc định nghĩa con người bạn, thì nó vẫn sẽ định nghĩa con người bạn thôi. Bạn không thay đổi được sự thật đó, vậy tại sao không chấp nhận nó và tạo nên một định nghĩa tốt nhất cho bản thân mình?

Bạn đừng hiểu lầm là tên bạn phải có trên Wikipedia thì bạn mới có sự nghiệp lẫy lừng. Có những người rất giỏi và có sự nghiệp hoành tráng nhưng tên họ chưa từng xuất hiện trên Internet. Nhưng nếu quan sát kĩ một chút, thì trong danh sách những người tên David ở trên không có ai làm công nhân vệ sinh hay thợ sửa ống nước cả. Và cũng không ai nhắc đến cụm từ "sự nghiệp làm thợ sửa ống nước" bao giờ. Vậy nếu bạn là công nhân vệ sinh hay thợ sửa ống nước, thì bạn gầy dựng sự nghiệp như thế nào đây?

Ta hãy thử suy nghĩ chậm lại một chút, phân tích kĩ hơn về hai chữ "sự nghiệp" xem sao.

2. Sự nghiệp

Career

Nhìn từ bên trong, sự nghiệp là thứ mà bạn muốn dành phần lớn thời gian cuộc đời bạn cho nó. Đó là thứ mà bạn lựa chọn và yêu thích. Nó thôi thúc bạn làm việc, cố gắng và phát triển. Dù bạn có muốn sống làng nhàng ngày qua ngày cuối tháng lãnh lương cũng không được. Bạn thấy mình có một sứ mệnh trong đời và bạn thấy cuộc sống vô nghĩa nếu không thể hoàn thành sứ mệnh đó. Hay nói cách khác, sự nghiệp chính là một trong những cách để bạn tạo dấu ấn về sự tồn tại của mình.

Nhìn từ bên ngoài, sự nghiệp của bạn là công việc mà bạn được công nhận là làm tốt nhất. Điều này cũng ăn khớp với góc nhìn từ phía bên trong, vì khi bạn dồn hết tâm huyết cho điều gì đó, thì bạn sẽ muốn nó được công nhận.

Giả sử bạn không có khái niệm gì về sự nghiệp từ phía bên trong. Tức là bạn không có khao khát phải có thành tựu gì trong đời cả. Bạn ăn chơi cả năm không làm việc cũng vẫn thấy cuộc sống của mình ý nghĩa tràn đầy. Cái gì làm ra tiền thì bạn làm, chỉ cần sung sướng là được. Thì bạn có thể xây dựng sự nghiệp bằng cách nhìn nó từ phía bên ngoài.

Dù bạn đang làm việc gì, thì hãy làm việc đó một cách tốt nhất. Nếu có thể, hãy là người làm việc đó giỏi nhất. Đầu tiên bạn sẽ được khách hàng công nhận. Sau đó được đồng nghiệp và công ty công nhận. Tương ứng bạn sẽ được tăng chức tăng lương. Có thể bạn không quan tâm đến việc tăng chức, nhưng tăng lương có nghĩa là bạn có thêm tiền để dùng cho sở thích của bạn. Bạn được công nhận có nghĩa là cách cư xử của người khác đối với bạn sẽ tốt hơn. Cuối cùng cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn.

Bây giờ mình sẽ thử thuyết phục bạn nên xây dựng sự nghiệp từ phía bên trong. Nghĩa là tìm một công việc mà bạn yêu thích và sống chết với nó.

3. Công việc không chỉ là thứ phải làm.

Công việc tất nhiên là thứ phải làm. Nhưng không những vậy, nó còn là thứ bạn phải làm ít nhất 1/3 khoảng thời gian tuổi trẻ của bạn.

Hãy nghĩ đến việc bạn phải làm việc mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ trong suốt khoảng thời gian từ năm 20 đến năm bạn 55 tuổi. Một khoảng thời gian quá dài, trong độ tuổi đẹp nhất, sung sức nhất của cuộc đời. Tại sao bạn không biến nó thành một khoảng thời gian vui vẻ hạnh phúc khi bạn đắm chìm trong công việc mà bạn yêu thích?

4. Công việc giúp cuộc sống của bạn có ý nghĩa.

Tự nhiên viết đến đây mình lại thấy việc thuyết phục người khác xây dựng sự nghiệp nó... không khả thi lắm 😅. Vì nếu tự bên trong bản thân bạn không có gì thúc đẩy bạn xây dựng thành tựu và để lại dấu ấn cho cuộc đời bạn thì mình thuyết phục bạn bằng cách nào đây 😂?

Hơn nữa ta không thể nói chuyện đúng sai về quan điểm sống. Nhưng mà cứ thử thêm một ý nữa xem sao.

Trong quyển sách "Đi tìm lẽ sống", tác giả Viktor E. Frankl nói rằng có ba cách để tìm ý nghĩa cuộc đời đó là:

  • Vượt qua nỗi bất hạnh khổ đau
  • Có một người để yêu
  • Có một công việc mà mình yêu thích và cống hiến cuộc đời cho nó

Đúng là những đau thương mất mát sẽ giúp ta nhìn thấy những ý nghĩa khác trong cuộc đời nhưng có lẽ tất cả chúng ta không ai muốn trải nghiệm cách thứ nhất.

Còn cách thứ hai thì nó không nằm trong tầm kiểm soát của ta. Ta không thể quyết định được việc mình sẽ có một người để yêu thương và đi cùng nhau đến cuối cuộc đời. Với lại càng ngày thì mình càng không tin vào cách này lắm. Tác giả có thể đã bị ảnh hưởng bởi sự lãng mạn vốn có sẵn trong văn học nên mới đưa cách này vào.

Cuối cùng là cách thứ ba, cách mà chúng ta có thể hoàn toàn chủ động, kiểm soát và thực hiện được. Một việc mà ta phải làm hằng ngày, lại còn có thể mang lại cho ta ý nghĩa cuộc sống, thì tại sao không chơi khô máu với nó luôn đúng không?

5. Lan man thêm một chút

Mình rất thích những nghề nghiệp mang tính cạnh tranh cao như vận động viên thể thao hay làm nghệ thuật. Ở những nghề đó mức phân bố thu nhập rất không đồng đều. 80% tổng thu nhập của nghề sẽ thuộc về 20% những người giỏi nhất. Ví dụ như rapper chẳng hạn, thì chỉ có một vài người trong top có tiền cát-xê cao ngất ngưởng, còn những người còn lại thu nhập chẳng thấm vào đâu. Điều đó đòi hỏi bạn hoặc là phải cố gắng tập luyện để xây dựng sự nghiệp rapper, hoặc là bỏ nghề luôn vì không sống được. Chứ không có chuyện làm một rapper làng nhàng rồi sống cho qua ngày hết tháng.

Lúc mới ra trường, mình loay hoay không biết định hướng cuộc sống công việc ra sao. Lúc đó như bao người khác, mình chỉ mong kiếm được nhiều tiền. Một hôm đi ăn chung với nhau, hai ông anh Zũ hỏi mình: "Mày muốn kiếm nhiều tiền, vậy giờ mày ra ngã ba phát tờ rơi, mỗi ngày tao cho mày 5 triệu, với điều kiện là mày phải làm liên tục trong vòng 10 năm".

Ôi cái cảm giác mặt trời chân lý chói qua tim. Ý nghĩa cuộc sống không nằm ở việc kiếm tiền các bạn ạ. Làm sao ta có thể lãng phí thời gian của cuộc đời vốn ngắn ngủi này vào những việc vô ích như thế được. Nhưng giờ nghĩ lại có khi lúc đó mình đi phát tờ tơi cmn cho rồi.

Có một điều đáng lưu ý nữa, đó là đôi khi do quá nôn nóng đi tìm sự công nhận, ta lại bị nhầm lẫn giữa sự nghiệp và sở thích. Giả sử đồng nghiệp của bạn dùng một trong ba câu sau để mô tả bạn, thì bạn sẽ muốn câu nào?

  • Thằng đó chuyên môn bình thường, nhưng mà nó đá banh hay
  • Thằng đó giỏi chuyên môn lắm, nhưng mà nó không biết đá banh
  • Thằng đó không những giỏi chuyên môn mà nó đá banh còn hay nữa

Bạn có thể thay thế đá banh bằng cầu lông, bóng bàn, guitar, hát karaoke, uống bia, chạy bộ... Nhưng dù thế nào cũng hãy chọn từ dưới lên trên.

Cái sự công nhận từ đồng nghiệp, từ công ty, rồi đến công ty to hơn, chính là sự phát triển sự nghiệp của bạn. Đó là sự phát triển về chuyên môn chứ không phải ba cái sở thích hoạt động vớ vẩn. Nhưng mà ai không thích được khen. Những người không giỏi chuyên môn lại càng dành thời gian cho những hoạt động khác để lấy lời khen bù lại. Để tạo cho mình cảm giác là mình không quá tệ, rằng mình cũng giỏi về mặt nào đó chứ đâu có thua ai.

Nếu bạn đã có suy nghĩ rõ ràng về việc xây dựng sự nghiệp, bạn sẽ biết nên dành năng lượng cho những điều gì. Cho nên thay vì trở thành người chạy marathon dài nhất, người đá banh tốt nhất, hoặc người hát hay nhất, thì hãy trở thành nhân viên xuất sắc nhất công ty.

6. Kết.

Sự nghiệp không phải là thứ gì đó đao to búa lớn. Nó đơn giản chỉ là công việc mà bạn yêu thích và làm tốt nhất. Bạn hoàn toàn có thể xây dựng sự nghiệp bán bún bò hay sự nghiệp sửa ống nước. Đừng để điều gì ngăn cản bạn làm thứ mà bạn yêu thích. Miễn là bạn làm nó thật tốt thì sự công nhận sẽ đến sớm thôi. Khi nhắc đến quán bún bò ngon nhất hay anh thợ sửa ống nước giỏi nhất xóm, mọi người sẽ nhắc đến bạn. Và điều quan trọng là bạn cảm thấy cuộc đời bạn có ý nghĩa hơn.

Tóm lại là cái việc mà bạn làm nó có định nghĩa con người bạn đó. Bạn làm không tốt thì đồng nghiệp sẽ không xem trọng bạn, công ty sẽ không công nhận bạn, khách hàng sẽ không tin tưởng bạn. Mọi thứ sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn. Nên khi đã làm việc gì, dù bạn có yêu thích và xem nó là sự nghiệp hay chỉ làm qua ngày để cuối tháng lãnh lương, thì cũng hãy hoàn thành nó một cách tốt nhất.

Những ngành nghề nhắc đến trong bài viết chỉ mang tính chất minh hoạ. Bài viết không có ý xúc phạm bất kì công việc nào.
Link bài viết trên fanpage Triết học đường phố: Bàn về công việc – 4 điều các bạn trẻ hay nhầm lẫn trong cuộc sống