Learning How to Learn - Week 2 - Part 2
• 12 phút đọc
1. Động lực đến từ đâu?
Khi bạn học môn mà mình thích, thời gian trôi nhanh vèo vèo, còn khi bạn học môn mà bạn không thích, thời gian dài như thế kỉ. Bạn có thể bỏ hàng ngày, hàng đêm để xem những video, những bài hướng dẫn chỉnh bố cục, lấy nét mà không thấy mệt mỏi nếu bạn mê nhiếp ảnh. Nhưng bạn không thể nào nuốt nổi một chữ nào khi học Đường lối ĐCS hay Tư tưởng HCM. Tại sao lại như vậy? Não của chúng ta có một hệ thống các chất neuromodulator, tạm dịch là tác nhân điều biến thần kinh. Hệ thống này không chỉ lưu giữ thông tin về các trải nghiệm của chúng ta, mà còn chứa thông tin về giá trị và vai trò của những trải nghiệm đó. Hệ thống điều biến thần kinh này bao gồm những chất hoá học có ảnh hưởng đến cách các neuron thần kinh tương tác với nhau. Trong bài viết này ta sẽ nói về 3 chất đó là: acetylcholine, serotonin và dopamine.
Acetylcholine giúp bạn tập trung. Nó giúp những thông tin ở working memory được lưu vào trong long term memory. Bạn có thể tiết ra nhiều acetylcholine thì khả năng tập trung của bạn càng cao.
Serotonin điều khiển cảm xúc và ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội của bạn. Cảm xúc đóng vai trò không nhỏ trong quá trình bạn học.
Dopamine có chức năng kiểm soát phần não điều khiển sự dễ chịu và sự tưởng thưởng. Nói cách khác, dopamine giúp bạn nhìn thấy được những lợi ích mang lại trong tương lai khi bạn thực hiện một hành động và thúc đẩy bạn thực hiện hành động ấy. Dopamine chính là chất tạo ra động lực. Khi còn bé, mẹ bạn hứa với bạn nếu bạn được điểm 10 sẽ mua cho bạn đồ chơi mới. Đó là khi những neuron thần kinh sản xuất dopamine bị kích thích. Dopamine thúc đẩy bạn học tập chăm chỉ hơn bởi vì nó đã thấy được phần thưởng sau đó. Phương pháp sử dụng Pomodoro cũng có liên quan đến dopamine. Khi bạn tập trung 25 phút và sau đó tự thưởng cho mình 5 phút, dopamine thúc đẩy bạn tập trung tối đa trong 25 phút vì nó đã thấy được phần thưởng trong 5 phút. Tóm lại, khi não bạn tiết ra nhiều dopamine, thì bạn sẽ làm việc, học tập một cách hoàn toàn tự nguyện mà không thấy bất kì sự khó chịu nào. Vậy làm sao để có nhiều dopamine? Rất tiếc là không có cách nào dễ dàng để làm được chuyện đó. Dopamine được tiết ra khi bạn nhận phần thưởng lần đầu tiên, hoặc là phần thưởng đến bất ngờ. Khi bạn nhận tiền lương lần đầu tiên, hay nhận một lời khen, một món quà bất ngờ, là lúc dopamine được tiết ra nhiều nhất. Và tác động của nó sẽ giảm dần trong các lần sau vì cơ thể của bạn sẽ quen dần. Nếu mẹ bạn cứ thưởng cho bạn một món đồ chơi như nhau trong một thời gian dài, động lực của bạn sẽ giảm. Các nhà lãnh đạo giỏi thường hay dành tặng những lời khen, những món quà, những phần thưởng bất ngờ để khích lệ nhân viên của mình. Những lời khen, những phần thưởng đó giúp nhân viên có thêm dopamine, tức là có thêm động lực để làm việc. Bây giờ bạn hãy nghĩ lại xem, khoảng thời gian mà bạn làm việc, học tập điên cuồng, một cách hoàn toàn tự giác, là khi nào? Hoặc lần gần nhất bạn làm một việc tưởng chừng như vô lý, một việc mà bạn đã từng nghĩ là mình sẽ chẳng bao giờ làm, là khi nào? Và tại sao bạn lại có động lực để làm những việc đó? Một thằng con trai trước giờ không biết lo nghĩ gì, bỗng nhiên trở nên chăm làm chăm học, là vì đâu? Một cô gái trước giờ chỉ biết ăn rồi làm biếng, nay bỗng nhiên mua sách về học nấu ăn, là vì đâu?
Đúng rồi đó, lúc dopamine được tạo ra nhiều nhất, lúc bạn có động lực to lớn nhất. Là khi bạn yêu.
2. Lợi ích của việc đọc sách
Những người thành công có thói quen đọc sách để có thêm nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Và họ học không ngừng để hiểu sâu hơn những kiến thức mà họ đã biết. Điều đáng lưu ý là họ học càng nhiều, họ biết càng nhiều, thì họ học điều mới càng dễ dàng hơn. Khi bạn học một điều gì đó mới, thì có một phương pháp gọi là 'liên tưởng, liên hệ' với những kiến thức mà bạn đã có. Vậy nên những kiến thức mà bạn đã có càng nhiều, thì sự liên tưởng càng trở nên dễ dàng. Khi bạn tìm cách để giải quyết một vấn đề, có hai hướng tiếp cận chính. Thứ nhất là đi từng bước tuần tự một cách logic để tìm ra lời giải. Hướng này đòi hỏi bạn phải tập trung ở từng bước, nó sẽ đưa ra những thông tin, những gợi ý để bạn đi bước tiếp theo. Hướng thứ hai là dựa vào cảm giác. Ở hướng tiếp cận này, ta thường tìm ra đáp án khi đang ở chế độ diffuse. Bởi vì để thấu hiểu những vấn đề thuộc những chủ đề hoàn toàn mới, bạn không thể tư duy logic bởi vì bạn không đủ kiến thức để suy luận. Khi đó, bạn phải cần một chút sáng tạo, một chút suy nghĩ mông lung tung để liên tưởng đến những kiến thức đã có. Archimedes không tìm ra lực đẩy trong vòng thí nghiệm, mà là trong bồn tắm. Khi bạn ở chế độ diffuse, não của bạn sẽ liên kết những kiến thức này lại với nhau và những khoảnh khắc 'Eureka' sẽ xuất hiện. Tất nhiên là không phải lúc nào nó cũng xuất hiện. Nhưng kiến thức của bạn càng nhiều thì chắc chắn bạn sẽ học nhanh hơn.
3. Overlearning, Einstellung, and Interleaving
Khi bạn học một điều gì đó mới, đầu tiên bạn sẽ cảm thấy khó khăn, nhưng sau khi qua giai đoạn khó khăn, bạn sẽ dần trở nên thành thục, và khi bạn thành thục, bạn sẽ có cảm giác thích thú, cảm giác chinh phục đc thử thách mới, và cảm giác ấy thúc đẩy bạn tập luyện nhiều hơn. Đó là overlearning, là tiếp tục tập luyện những điều mà bạn đã thành thục.
Overlearning có mặt tốt và cũng có mặt không tốt. Những nhà hùng biện tập luyện nói trước gương bài nói của họ rất nhiều lần, đến khi nó trở thành một điều gì đó bản năng, tự nhiên. Điều đó giúp họ có thể xử lý trong những tình huống bất ngờ, những khi hồi hộp hay căng thẳng, họ vẫn có thể hoàn thành trọn vẹn bài nói của mình. Hoặc trong bóng đá, tập luyện sút bóng, hay chuyền bóng thật nhiều lần để khi thi đấu trong một trận cầu đinh dưới ánh mắt của hàng triệu cổ động viên, bạn không bị khớp. Thực tế là các cầu thủ đá bóng từ nhỏ tới lớn, tập đá biết bao nhiêu quả 11m, nhưng khi đá luân lưu vẫn đá lên trời như thường, nên trong trường hợp này overlearning càng nhiều càng tốt. Mấy thanh niên mới biết khui bia bằng chai lần nào đi nhậu cũng khui bia đầy bàn. Nhưng khi đã khui bia bằng chai thành thục, thì cứ tiếp tục khui nhiều hơn nữa không giúp bạn trở nên thành thục hơn. Đó là mặt không tốt của overlearning. Lẽ ra khi đã khui bằng chai thành thục, bạn nên chuyển qua khui bằng cái gì đó khó hơn như bằng đũa hay bằng bật lửa.
Overlearning giúp những liên kết giữa các neuron thần kinh trở nên chặt chẽ hơn. Nhưng mặt khác, nó giống như khi bạn biết đóng đinh, và bạn nghĩ rằng bạn là thợ mộc. Overlearning gây ra sự lầm tưởng trong bạn. Vì khi bạn nắm được một phần của bài học, và bạn thấy nó dễ dàng (có thể vì đó là phần dễ nhất hoặc vì bạn đã học đi học lại nó rất nhiều lần, hoặc cả hai), bạn sẽ cho rằng môn học đó đơn giản, và bạn lầm tưởng rằng bạn cũng sẽ hiểu những phần khác như vậy. Bạn tâng bóng được vài trăm cái và nghĩ rằng bạn là cầu thủ siêu sao, rằng những gì trên sân cỏ cũng sẽ đơn giản như tâng bóng? Trong khi tâng bóng là một trong những động tác đơn giản nhất. Để thực sự thấu hiểu một chủ đề mới, có một kĩ thuật gọi là deliberate practice. Kĩ thuật này đòi hỏi bạn phải luôn luôn hướng đến những thứ khó hơn. Khi bạn biết tâng bóng, tiếp theo hãy tập luyện chuyền bóng, sút bóng cho chính xác. Khi bạn giải được những bài toán cơ bản, hãy tìm và giải những bài toán nâng cao chứ đừng làm đi làm lại những bài đơn giản rồi tự khen là mình thông minh. Deliberate practice chính là điểm khác biệt giữa học sinh giỏi và học sinh xuất sắc. Hồi đó khi mình luyện thi đại học môn Toán, thầy có đề ra chiến thuật rõ ràng. Phải lấy trọn điểm câu đồ thị hàm số, phương trình lượng giác và hình học không gian, bỏ câu bất đẳng thức và bất phương trình. Lúc đó mình overlearning phần đồ thị hàm số và phương trình. Mình bỏ luôn không deliberate practice phần bất đẳng thức. Bạn có thể thấy, học sinh xuất sắc là học sinh giải được bất phương trình, đó là câu phân loại và bạn phải chinh phục nó để đạt được điểm 10.
Overlearning dẫn đến một khái niệm mới tên là Einstellung.
Nếu bạn làm nghề tiều phu, thì khi giết gà, điều đầu tiên bạn nghĩ đến là lấy rìu chặt ngang cổ con gà. Einstellung là hiện tượng khi hướng tiếp cận vấn đề của bạn đi theo những lối mòn sẵn có, những lối mòn hình thành từ quá trình overlearning, có thể ngăn chặn những hướng giải quyết khác đơn giản và hiệu quả hơn. Các câu hỏi phỏng vấn ở những công ty lớn thường đánh vào hiện tượng này. Học sinh mà học tủ, học vẹt theo kiểu không tư duy, khi đi thi gặp đề thi ra khác với đề mình làm ở nhà là bí ngay không biết giải. Bạn phải giải phóng bộ não của mình khỏi những suy nghĩ theo lối mòn, để không trở bên bảo thủ.
Nhắc lại một lần nữa là khi học một chủ đề mới, việc thấu hiểu những khái niệm cơ bản vô cùng quan trọng. Bạn không thể cứ nhảy xuống hồ chơi bóng nước khi chưa biết bơi. Đó là tự sát. Và mục tiêu cuối cùng khi học một điều gì đó mới, là phải biết vận dụng chúng vào cuộc sống của bạn. Có một kĩ thuật giúp bạn đạt được điều này, đồng thời tránh khỏi Einstellung tên là Interleaving.
Khi bắt đầu học một ngôn ngữ lập trình mới, hay một nhạc cụ mới, cách tiếp cận thông thường là đọc bài giảng, làm bài tập, và chuyển sang chương tiếp theo sau khi đã đạt đến một mức độ thuần thục chấp nhận được. Đó gọi là Block practicing. Bạn tập trung vào một kĩ năng, lặp đi lặp lại cho đến khi thuần thục, sau đó chuyển sang kĩ năng khác và cứ tiếp tục như vậy. Interleaving thì ngược lại, ở kĩ thuật này bạn tập luyện nhiều kĩ năng cùng lúc chứ không phải chỉ một kĩ năng. Khi bạn muốn học 3 kĩ năng A, B, C. Thì với kĩ thuật Block praticing, quá trình học của bạn sẽ là AAA-BBB-CCC, khi bạn thuần thục kĩ năng A, bạn chuyển qua kĩ năng B, sau đó là C. Còn với Interleaving, quá trình học sẽ là ABC-ABC-ABC hoặc thậm chí ngẫu nhiên với ACB-CAB-ABC. Điểm khác biệt ở đây là bạn không được tập luyện một kĩ năng liên tục trong hai lần tập luyện liên tiếp.
Các nhà nghiên cứu đã làm thí nghiệm một thí nghiệm như sau: Chia học sinh ra làm hai nhóm là Blockers: sử dụng Block praticing và nhóm Mixers: sử dụng Interleaving để học cách tính thể tích hình chóp, hình tứ diện, hình lăng trụ và hình cầu. Nhóm Mixers được cung cấp cả 4 bài giảng và 16 bài tập được trộn lẫn sao cho mỗi nhóm 4 bài tập đều chứa đủ 4 loại hình. Nhóm Blockers được cung cấp 1 bài giảng và 4 bài tập liên quan đến bài giảng đó, ví dụ bài giảng về hình cầu và 4 bài tập về tính thể tích hình cầu. Sau đó tiếp tục qua bài giảng khác và làm 4 bài tập về bài giảng đó. Mỗi tuần có hai buổi làm bài tập và một bài kiểm tra. Kết quả là trong quá trình làm bài tập, nhóm Blockers làm đúng nhiều hơn ~29% so với nhóm Mixers, nhưng trong bài kiểm tra thì nhóm Mixers làm đúng nhiều hơn đến ~43%.
Hiện vẫn chưa có cách giải thích chính xác tại sao Interleaving lại hiệu quả đến vậy nhưng hai giả thuyết phổ biến nhất là:
Breaking in a Path (aka retrieval-practice hypothesis)
Khi bạn tập luyện một kĩ năng, não bạn cần phải load những kiến thức về kĩ năng đó từ long term memory lên working memory. Với kĩ thuật Block practicing, não chỉ load những kiến thức đó vào lần đầu tiên, và bỏ qua bước này vào những lần sau. Còn với kĩ thuật Interleaving, mỗi lần tập luyện, não phải load những kiến thức mới hoàn toàn. Và mỗi lần load như vậy, não nó sẽ nhớ phần kiến thức đó ở vị trí nào trong long term memory, và sẽ nhanh chóng truy xuất kiến thức đó sau này. Hãy tưởng tượng bạn đang ở một thành phố xa lạ, và bạn không biết đường đi. Block praticing giống như bạn chỉ đi qua con đường một lần. Còn Interleaving giống như bạn đi tới đi lui con đường đó nhiều lần (breaking in a path). Lần sau gặp lại con đường đó, bạn sẽ cảm thấy thân thuộc.
Stop and Go Traffic (aka discriminative-contrast hypothesis)
Một giả thuyết khác để giải thích sự hiệu quả của Interleaving đó là khi bạn học những kiến thức khác nhau, não của bạn sẽ phân biệt, sẽ nhận ra được sự khác nhau giữa những kiến thức đó. Còn khi bạn làm bài tập về chỉ một chủ đề, não bạn sẽ có xu hướng đoán biết được cái gì sẽ xảy ra tiếp theo, nên mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng. Interleaving giúp bạn nhận ra mỗi kiến thức bạn học thích hợp sử dụng trong ngữ cảnh nào, giúp bạn có một sự thấu hiểu sâu sắc hơn. Block practicing giống như bạn lái ô tô đi theo một con đường thẳng, cứ đạp ga và đạp ga. Còn với Interleaving, bạn phải dừng xe, ôm cua, trả số, lui xe. Việc liên tục dừng xe rồi chạy tiếp (stop and go) đòi hỏi bạn phải tập trung, từ đó bạn nhận ra được sự khác nhau của các kĩ năng, khi nào vận dụng kĩ năng nào. Interleaving sẽ khó khăn thời gian đầu và có vẻ đau khổ trong ngắn hạn, nhưng sẽ rất hiệu quả trong dài hạn.
4. The Law of Serendipity.
Phần này chủ yếu để động viên các bạn cố gắng và tin tưởng vào sự cố gắng của mình. Cuộc sống này không công bằng. Mỗi chúng ta sinh ra có những điểm mạnh yếu và chỉ số thông minh khác nhau. Lẽ ra mỗi đứa trẻ sinh ra phải giống nhau, rồi khi lớn lên, đứa nào ngoan ngoãn và chăm chỉ hơn sẽ thông minh hơn mới đúng. Nhưng rất tiếc có những người may mắn thông minh nhanh nhạy hơn những người khác. Và tất nhiên, may mắn không phải là điều gì đó đáng để tự hào. Nếu bây giờ trường đại học danh tiếng Stanford mỗi năm trao 10 suất học bổng bằng cách quay xổ số để chọn ngẫu nhiên 10 sinh viên trên toàn thế giới, và bạn may mắn được chọn. Thì khi đó, bạn - một sinh viên danh dự đạt học bổng Stanford, có cảm thấy tự hào? Tương tự, thông minh không phải là điều đáng để tự hào. Mà sự cố gắng mới là điều đáng tự hào. Nếu bạn nghĩ rằng một người với chỉ số IQ bình thường không thể thành công, hãy xem Forrest Gump. Hãy luôn cố gắng. Và hãy tự hào vì sự cố gắng ấy. Vì nàng tiên may mắn luôn chọn người cố gắng hơn.
5. Tổng kết
Acetylcholine giúp bạn tập trung. Serotonin làm cho tâm trạng bạn tốt hơn. Còn dopamine giúp bạn có thêm động lực và tràn đầy năng lượng.
Bạn đọc sách càng nhiều, bạn biết càng nhiều, bạn học càng nhanh.
Einstellung là khi những suy nghĩ theo lối mòn ngăn chặn những suy nghĩ mới sáng tạo hơn khi bạn tiếp cận một vấn đề.
Overlearning có mặt tốt và không tốt, bạn phải biết vận dụng kĩ thuật này một cách phù hợp để tránh Einstellung. Và Kết hợp với Interleaving để có hiệu quả học tập tốt nhất.
Cuối cùng là The Law of Serendipity. Hãy luôn cố gắng, vì nàng tiên may mắn luôn chọn người cố gắng hơn.