Learning How to Learn - Week 3 - Part 2: Memory
• 5 phút đọc
Mình đã có nói về memory ở week 1. Ở week 3 này mình thấy không có quá nhiều thông tin mới nên mình sẽ tóm tắt ngắn gọn vài ý chính thôi.
1. Hiểu thêm về memory - Trí nhớ
a. Hồi hải mã
Những bạn hay uống rượu bia chắc đã ít nhất một lần trải nghiệm cảm giác này. Cảm giác mất trí nhớ về cuộc nhậu hôm trước. Bị nhẹ thì khi có người nhắc lại sẽ nhớ ra, bị nặng thì không nhớ chút gì luôn. Nguyên nhân là do vùng hồi hải mã (hippocampus) của bạn đã bị rượu bia làm ảnh hưởng.
Hồi hải mã là bộ phận nằm ở hai bên bán cầu não. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ kí ức. Tất cả những bệnh liên quan đến suy giảm trí nhớ đều do tổn thương hồi hải mã. Khi bạn "nhậu", cồn có trong rượu bia sẽ làm nhiễu cơ quan thụ cảm trong hồi hải mã, hoặc tệ hơn làm cho cơ quan này ngưng hoạt động. Đó là lý do bạn chỉ nhớ mang máng hoặc thậm chí không nhớ gì (blackout) sau khi bạn say.
Trong phim Memento và The Bourne Identity, các nhân vật trong phim bị tổn thương vùng hồi hải mã, dẫn đến việc họ bị mất kí ức trong quá khứ hoặc không thể lưu trữ thông tin mới. Điểm thú vị là hồi hải mã chỉ ảnh hưởng đến việc lưu trữ thông tin chứ không ảnh hưởng đến kĩ năng cũ hay việc học một kĩ năng mới. Trong phim The Bourne Identity, Jason có thể thực hiện những kĩ năng được huấn luyện trước đó một cách thành thục. Anh ấy chỉ không nhớ được là mình được huấn luyện khi nào, ở đâu và với ai.
b. Bộ não ghi nhớ hình ảnh tốt hơn những dạng thông tin khác.
Bạn có nhớ những lần bạn có cảm giác ngờ ngợ kiểu "hình như mình đi qua chỗ này rồi", "con đường này quen quen" không? Đó là do bộ não có khả năng ghi nhớ hình ảnh và không gian rất tốt. Ngày xưa tổ tiên của chúng ta phải đi rất xa để săn bắn và hái lượm nên họ phải tìm cách nhớ đường để trở về nhà. Họ phải ghi nhớ và chỉ cho nhau loại hoa quả nào ăn được, con thú nào nguy hiểm. Họ giao tiếp và trao đổi thông tin thông qua hình ảnh. Dù đã trải qua hàng nghìn năm tiến hoá nhưng chúng ta vẫn còn giữ khả năng này cho đến hôm nay.
Dù vậy chúng ta chỉ giỏi ghi nhớ những điều khái quát chung chung chứ không phải những điều chi tiết. Ta chỉ cần đi sơ một vòng là có thể nhớ hết vị trí các phòng và kết cấu một ngôi nhà ta vừa mới đến, nhưng không thể nhớ rõ những chi tiết nhỏ trong ngôi nhà đó. Muốn ghi nhớ những chi tiết nhỏ ta phải tập luyện để đưa nó từ short-term memory vào long-term memory.
2. Các phương pháp ghi nhớ
Có nhiều phương pháp ghi nhớ, điểm mấu chốt là bạn phải kết nối những kiến thức mới với những kiến thức mà bạn đang có.
a. Liên kết những con số với sự kiện
Để ghi nhớ những con số, ta có thể liên kết chúng với những sự kiện mà bạn luôn nhớ như ngày sinh nhật chẳng hạn. Đây là cách chúng ta học lịch sử thời phổ thông.
b. Memory palace (Cung điện kí ức)
Vì não ghi nhớ thông tin về hình ảnh hiệu quả nhất nên phương pháp này liên kết kiến thức mới với hình ảnh. Bạn sử dụng một không gian mà bạn cực kì thân thuộc, ví dụ căn phòng của bạn, để liên kết những điều bạn cần ghi nhớ. Bạn có thể xem thêm ở video này. Cách này rất hữu ích khi bạn muốn ghi nhớ một danh sách dài.
c. Giải thích cho người khác, thuyết trình, viết ghi chú/blog. (Feynman Technique)
Buộc bạn suy nghĩ sâu hơn về chủ đề bạn muốn trình bày, từ đó những liên kết sẽ trở nên chặt chẽ hơn. Phương pháp này giúp bạn thực sự hiểu chủ đề bạn đang học một cách sâu sắc. Một khi bạn hiểu, bạn sẽ không bao giờ quên.
d. Spaced-repetition
Đây là phương pháp mình nghĩ là quan trọng nhất. Thay vì học liên tục trong một ngày 10 tiếng, thì hãy chia ra học trong một tháng, với chỉ 20 phút một ngày.
Bạn có nhớ là khi bạn dồn hết nội công để ôn thi trong 2 ngày cuối, thì hầu như bạn không nhớ gì về kiến thức của môn học sau khi thi xong không? Đó là do phần kiến thức đó chưa được củng cố trong long-term memory của bạn, những liên kết còn đang rất rời rạc và sẽ bị mờ dần sau kì thi, khi mà bạn không còn quan tâm đến nó nữa.
Khi bạn sử dụng lại một kiến thức từ long-term memory, thì kiến thức này sẽ được củng cố (reconsolidate) lại. Bạn sẽ hiểu nó rõ thêm một chút hoặc có một góc nhìn khác về nó. Dù thế nào thì mảnh kiến thức này cũng sẽ được nâng cấp lên so với bản trước đó. Nó giống như bạn đọc lại một quyển sách vậy, bạn sẽ hiểu quyển sách đó hơn và nội dung quyển sách sẽ in sâu trong tâm trí bạn hơn. Nhưng điều này không thể xảy ra nếu bạn đọc lại quyển sách đó chỉ sau một tuần. Não bạn cần thời gian để cảm thụ, đồng thời tiếp thu những kiến thức mới. Chúng giúp bạn có một vòng lặp liên kết với nhau chặt chẽ: Kiến thức cũ giúp học kiến thức mới dễ hơn, kiến thức mới giúp bạn củng cố và hiểu sâu kiến thức cũ hơn.
3. Tổng kết
Sử dụng spaced-repetition là cách tốt nhất để củng cố kiến thức. Hãy kết hợp nó với những phương pháp khác, đồng thời dành thời gian nghỉ ngơi và nghĩ sâu.
Phần hippocampus đọc cho vui thôi. Hãy uống rượu bia có trách nhiệm nha mấy bạn.