Vu Pham's Personal Blog

Saigon, Vietnam

Learning How to Learn - Week 4

13 phút đọc

Learning how to learn

Ở week 4 này, chúng ta sẽ tìm hiểu những phương pháp học tập và thi cử có thể áp dụng vào thực tế. Hi vọng có thể giúp các bạn học sinh, sinh viên học tập tốt hơn.

1. Sự quan trọng của thể dục thể thao

Trước đây, chúng ta lầm tưởng rằng neuron thần kinh là một tập cố định không thay đổi. Nhưng hoá ra ở một số bộ phận trong não, neuron thần kinh có thể được sinh ra mỗi ngày. Và hồi hải mã (hippocampus) là một trong những bộ phận đó. Những neuron thần kinh mới giúp ta học tập và tiếp thu kiến thức. Nhưng chúng sẽ chết nếu không được sử dụng. Vậy nên ta phải học, học nữa, học mãi.

Trước khi đi ngủ, bạn có thể tổng kết một ngày của bạn, ghi lại những gì mà bạn đã học được dù lớn hay nhỏ. Thói quen này giúp những thông tin mới được tổng hợp. Khi được bạn viết ra, thì những thông tin đó lại thêm một lần được củng cố. Tất nhiên, có những ngày bạn sẽ gần như không học được điều gì mới cả. Mà không học thì những neuron thần kinh mới sẽ chết. Vậy làm sao để giữ lại những neuron mới kia? Có một cách, đó là tập thể dục hoặc chơi thể thao.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một sự thật thú vị là thể dục thể thao có thể giúp những neuron thần kinh mới sống sót. Nếu bạn đang chơi một môn thể thao nào đó thì quá tốt, hãy cứ duy trì đều đặn. Còn nếu không, hãy tìm một môn mà bạn thấy phù hợp để bắt đầu. Đơn giản nhất mình nghĩ là chạy bộ, ai cũng có thể tập được mà tác dụng thì rất nhiều. Mặt khác, thể dục thể thao giúp cơ thể bạn khoẻ mạnh và trao đổi chất tốt hơn. Nói cách khác, nó tốt hơn tất cả thực phẩm và thuốc bổ não trên thị trường. Vậy nên hãy dành thời gian tập thể dục mỗi ngày!

2. Ẩn dụ và so sánh

Khi chúng ta hiểu một điều gì đó, ta sẽ không bao giờ quên. Ta học bằng cách tiếp nhận một lượng lớn thông tin, sau đó ta chắt lọc và liên kết những thông tin này lại, đến khi ta hiểu được sự hợp lý của chúng. Ta không học điều mới vì có ai đó nói với ta rằng nó là như vậy. Ta phải tự mình hiểu nó và giải thích được nó. Vậy làm sao để hiểu được những kiến thức phức tạp? Hãy sử dụng phép ẩn dụ và so sánh.

Thực hành điều này rất đơn giản: Hãy tìm cách giải thích điều mà bạn đang học cho người khác hiểu. Nhưng đơn giản không có nghĩa là dễ dàng. Hãy cố gắng so sánh và liên kết với những kiến thức mà bạn đang có để diễn đạt một khái niệm mới. Không có phép ẩn dụ hay so sánh nào là hoàn hảo. Chỉ cần diễn đạt được ý chính và giúp người khác hiểu được phần trọng tâm của khái niệm đó là bạn đã rất thành công.

Galaxy-Atom-Barcelona

Những thứ xung quanh ta luôn có một sự tương đồng với nhau ở một khía cạnh nào đó. Chỉ cần ta thay đổi góc nhìn một chút, ta có thể nhận ra sự tương đồng ấy để hiểu chúng tốt hơn.

3. Sự kiên trì

Đã có rất nhiều câu chuyện về những bậc vĩ nhân nói rằng họ thành công không phải vì họ có trí lực siêu phàm mà là do sự kiên trì cố gắng. Rằng họ cũng chỉ là những người bình thường, có người còn học rất tệ ở trường hoặc thậm chí bị cho là không có năng lực học tập.

Mình không chắc những câu chuyện này có thật hay được viết ra để truyền cảm hứng. Tất nhiên tài năng bẩm sinh là một lợi thế rất lớn nhưng khoá học này nói rằng nếu chúng ta kiên trì cố gắng, ta vẫn có thể thành công và sánh ngang với các thiên tài. Mình nghĩ thiên tài hay không thì cũng phải cố gắng cả thôi. Ai muốn thành công cũng phải trả một cái giá. Cái giá đó bằng tổng của tài năng và cố gắng. Nếu ta không có nhiều tài năng thiên bẩm thì ta sẽ cố gắng kiên trì để bù lại. Có thể nhiều bạn sẽ không đồng ý nhưng mình nghĩ Lionel Messi và Cristiano Ronaldo là một ví dụ tốt trong trường hợp này.

Nếu không sinh ra là Messi thì hãy cố gắng để trở thành Ronaldo.

4. Các phương pháp học tập

Chém gió lý thuyết vậy đủ rồi, giờ mình sẽ nói về những phương pháp học tập mà các bạn có thể áp dụng trong thực tế.

4.1. Học nhóm

Học nhóm sẽ giúp bạn:

  • Tiết kiệm thời gian

    Giả sử một học kì bạn học 5 môn chính. Nhóm của bạn có 5 người. Bạn có thể chia ra mỗi người tập trung học một môn, sau đó giảng lại cho những bạn khác trong nhóm. Giả sử bạn học một môn, bạn vẫn có thể chia môn đó ra thành 5 phần, mỗi bạn học một phần rồi giảng lại cho những bạn khác. Kiểu gì cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

  • Hiểu bài hơn

    Những cuộc tranh luận và brainstorming với các thành viên khác trong nhóm giúp bạn có thêm những góc nhìn khác. Khi học một mình, bạn sẽ có xu hướng KHÔNG muốn đào sâu cặn kẽ vấn đề mà chỉ học đến mức vừa đủ. Nhưng khi có người đặt câu hỏi cho bạn, bạn buộc phải nghiên cứu sâu hơn để trả lời. Mặt khác, bạn thường không biết được là bạn sai ở đâu nếu bạn học một mình vì không có ai chỉ ra điểm sai đó cho bạn. Đặc biệt, giảng bài cho người khác hiểu là một việc khó. Làm được điều đó chắc chắn giúp bạn hiểu sâu hơn.

  • Vui hơn.

Vấn đề là bạn phải biết cách học nhóm hiệu quả.

a. Chọn nhóm:

Bạn cần những người bạn học nghiêm túc.

Các bạn sinh viên chắc ai cũng hiểu cảm giác chia nhóm làm bài tập, đồ án các kiểu xong một bạn phải gánh hết 😂. Bạn học 5 môn và phải gánh cả 5 môn cho 5 nhóm thì đúng là rất mệt. Và không công bằng.

Nếu việc chia nhóm là ngẫu nhiên, bạn phải phân công nhiệm vụ rõ ràng ngay từ đầu. Nếu có thành viên nào không tham gia nghiêm túc, bạn phải nói rõ với bạn đó và báo cáo với giáo viên khi cần thiết để kết quả đánh giá được công bằng.

Nhưng thường thì bạn nào cũng sẽ có một nhóm bạn riêng, khác với nhóm được phân công ở trên và việc học nhóm thường sẽ diễn ra với nhóm thứ hai này. Lời khuyên của mình khi học với nhóm này là:

Nếu bạn thấy việc học nhóm không hiệu quả, hãy tìm một nhóm khác.

Mình không nói là bạn nghỉ chơi với nhóm này, nhưng bạn phải phân biệt rõ đâu là bạn học, đâu là bạn chơi. Nếu trong các buổi học bạn chỉ thấy tụi nó toàn ăn uống, nói chuyện phiếm xàm xàm, chơi game... thì rõ ràng việc học không hiệu quả. Và thường thì việc phân chia công việc trong nhóm này cũng chẳng đến đâu. Bạn phải tìm một nhóm khác, một nhóm có những người nghiêm túc mà bạn có thể học từ họ.

Nếu bạn vẫn muốn nhóm bạn chơi và nhóm bạn học là một thì chúc bạn may mắn. Đây là một việc khó. Nhưng nếu bạn tìm được một nhóm như vậy thì nó sẽ là một điều hết sức tuyệt vời, trong việc học và cả sau này nữa. Trường hợp tệ nhất, bạn muốn học tập và tiến lên phía trước còn nhóm của bạn vẫn dậm chân tại chỗ, thì bạn nghỉ chơi với nhóm đó luôn cũng không sao cả .

b. Có nhóm rồi thì làm việc với nhau ra sao.

Đây là kĩ năng khó mà mình vẫn đang học mỗi ngày. Hồi sinh viên mình cũng hay nghĩ kiểu: "Làm chung với tụi nó khó quá thôi mình tự làm cho rồi".Suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai. Vì trên đời này không có cái gì to lớn mà bạn có thể tự làm một mình cả. Đây là kĩ năng cần thiết bạn cần phải có để đi làm sau này. Bạn phải làm việc chung với người khác. Muốn hợp tác vui vẻ thì mình có vài ý sau:

  • Kế hoạch rõ ràng

    Mỗi tuần gặp nhau học mấy buổi, vào thời gian nào, trong bao lâu. Trước mỗi buổi học cần phải chuẩn bị những gì, cần phải đọc trước những tài liệu nào... Nhóm nên có một kế hoạch từ trước và đảm bảo những thành viên đều theo sát kế hoạch này để không làm mất thời gian của nhau.

  • Chia việc cho công bằng

    Công bằng ở đây không chỉ đơn giản là khối lượng công việc bằng nhau để không có ai phải vất vả hơn, mà còn phải chia sao để mọi người đều vui như nhau. Ví dụ có 5 môn học nhưng trong đó có 2 môn hay và 3 môn chán, thì tất nhiên ai cũng muốn học môn hay. Vậy cách chia cũng phải khác chút chứ không phải mỗi người một môn. Hoặc có thể có một bạn nào đó bận việc gia đình thì mấy đứa còn lại gánh cho nó chút, qua kì sau nó sẽ gánh lại. Nói chung là các bạn phải nói chuyện rõ ràng với nhau, dẫn đến ý thứ ba, đó là.

  • Giao tiếp hiệu quả

    Có gì thì nói ra cho mấy đứa kia biết. Đơn giản vậy thôi. Bạn thấy có chỗ nào không công bằng: Nói. Bạn thấy có thành viên cần được giúp đỡ: Nói. Bạn thấy chính bạn cần giúp đỡ: Nói. Nói như thế nào là một vấn đề khác. Nhưng bạn cứ nói ra đi. Nói đúng, nói sai, nói hay, nói dở thế nào từ từ bạn sẽ học được.

    Giao tiếp là một nghệ thuật. Giao tiếp tốt sẽ giúp mọi thứ trong cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn.

c. The law of 33%

Tốt nhất bạn nên có 3 nhóm bạn, và chia 1/3 thời gian của bạn cho 3 nhóm này.

  • Nhóm thứ nhất là những người giỏi hơn bạn: Bạn sẽ học được họ những điều hay, được truyền cảm hứng từ họ và có thể bạn sẽ tìm được một hình mẫu để bạn hướng tới.
  • Nhóm thứ hai là những người ngang trình với bạn: Vì nhóm thứ nhất sẽ không có nhiều thời gian cho bạn, vì họ sẽ ưu tiên dành thời gian cho nhóm thứ nhất của họ, nên thời gian của bạn sẽ dành cho nhóm thứ hai này. Đây là nhóm sẽ phát triển cùng với bạn.
  • Và cuối cùng là nhóm thứ ba: Nhận vào thì phải cho đi, nhóm này là nhóm những bạn yếu hơn bạn. Bạn sẽ giúp nhóm này phát triển. Bạn sẽ là nhóm thứ nhất của họ. Khi giúp họ cũng là lúc bạn phát triển nên cũng không hẳn là bạn đang hoàn toàn cho đi. Hạ thấp cái tôi xuống, đôi khi bạn sẽ học được những bài học giá trị từ nhóm này.

4.2 Test Checklist

Thi cử không chỉ để đánh giá kết quả, nó còn để tăng hiệu quả của việc học tập. Hãy tưởng tượng việc đi học mà không có thi cử thì bạn sẽ bỏ được bao nhiêu thời gian và công sức cho nó. Mấu chốt ở đây chính là sự tập trung. Khi bạn đi thi, bạn tập trung hoàn toàn trí lực trong khoảng thời gian từ 45p đến 180p. Nếu bạn có thể tập trung như vậy để học tập mỗi ngày thì chắc chắn bạn sẽ làm được rất nhiều điều lớn lao. Chắc chắn luôn.

Những kiến thức sinh viên đại học có được từ những môn học hầu hết đến từ tuần cuối cùng trước khi thi. Đến đây thì ai cũng hiểu là những buổi ôn thi xuyên đêm hoàn toàn không hiệu quả. Bạn không thể đợi nước đến đầu mới bắt đầu bơi trong đống sách vở và đề thi được. Dù bạn có vượt qua được kì thi, thì những kiến thức cũng không đọng lại sâu trong đầu bạn. Sinh viên giỏi không ôn thi trong hoảng loạn như vậy. Họ đi thi rất thoải mái vì họ đã sẵn sàng cho việc đó rồi. Vậy làm sao để sẵn sàng.

Trước khi máy bay cất cánh, cả tổ bay phải hoàn thành tất cả các nhiệm vụ trong một danh sách để đảm bảo an toàn bay (aviation checklist). Việc này được thực hiện cực kì cẩn thận và nghiêm ngặt vì nó ảnh hưởng đến an toàn của tất cả hành khách trên chuyến bay đó. Hoặc trước khi thực hiện một ca phẫu thuật, các bác sĩ cũng phải kiểm tra và hoàn thành tất cả những khâu chuẩn bị quan trọng. Chỉ khi đó, họ mới sẵn sàng.

Thi cử cũng vậy, nó là một việc quan trọng và có thể ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của bạn. Vậy nên trước khi đi thi, bạn cũng có một danh sách những nhiệm vụ mà bạn phải hoàn thành để có thể sẵn sàng. Dưới đây là test checklist của bạn, hãy hoàn thành nó trước mỗi kì thi như cách phi công và bác sĩ hoàn thành checklist của họ.

  • Did you make a serious effort to understand the text? If you had a study guide, did you go through it?
  • Did you attempt to outline every homework problem solution?
  • Did you understand all your homework problems’ solutions? If not, did you ask for explanations?
  • Did you work with classmates on homework problems? checked your solutions?
  • Did you consult your instructor/teacher when you had a problem with something?
  • Did you sleep well the night before the test?

4.3 Mẹo khi đi thi

a. Hard Start - Jump to easy

Thầy cô luôn dặn khi vô phòng thi luôn làm câu dễ trước và câu khó sau. Mục đích cuối cùng là giành được điểm số cao nhất có thể. Nếu bạn chỉ muốn ăn chắc mặc bền, làm bài được 8 điểm là đủ rồi thì đó là một hướng tập cận hợp lý. Nhưng nếu bạn muốn mình phải đạt được 10 điểm, thì hướng tiếp cận đúng là làm câu khó trước. Nhưng bạn chỉ dành cho nó một khoảng thời gian ngắn thôi, sau đó chuyển sang làm câu dễ. Trong một ngày đẹp trời, đầu óc minh mẫn cộng thêm chút may mắn, bạn làm được câu khó kia thì bài thi coi như xong. Bạn chỉ cần cẩn thận đừng bất cẩn để mất điểm ở những câu dễ nữa là bạn có 10 điểm. Thực tế thì những bạn đạt 9,5 thường mất điểm ở những câu dễ.

Nhưng khả năng cao là bạn sẽ không làm được câu khó và sẽ phải chuyển sang câu dễ. Lúc này chế độ diffuse sẽ tiếp tục hoạt động. Một lúc sau quay lại câu khó bạn sẽ có một góc nhìn khác rõ ràng hơn và khả năng cao là bạn sẽ giải được nó. Hãy nhớ lại cảm giác lời giải bật ra trong đầu bạn khi bạn vừa bước ra khỏi phòng thi, trong khi lúc làm bài thì nghĩ mãi không ra. Não sẽ tiếp tục tìm ra lời giải ngay cả khi bạn không nghĩ đến nó. Các bạn làm software cũng nên để ý chỗ này nha.

b. Đối phó với căng thẳng

Cảm giác căng thẳng khi đi thi là hoàn toàn bình thường. Đặc biệt là những kì thi lớn như thi Đại học. Càng lo sợ và áp lực thì bạn sẽ càng chuẩn bị kĩ càng hơn. Nếu thất bại cũng không sao thì chăm chỉ học hành để làm gì, đúng không? Vấn đề là bạn phải biến nỗi lo lắng thành sức mạnh (Nghe sách vở vkl). Đại loại là bạn phải biết tự động viên và kiểm soát cảm xúc của bản thân. Suy nghĩ tích cực, đừng nghĩ

"Chắc mình thi trượt mất, lo quá. Ba mẹ thâỳ cô sẽ giết mình"

mà hãy nghĩ

"Học hành bữa giờ cực khổ rồi, mình sẽ chứng minh cho mọi người thấy là mình làm được. Mà nếu xui không làm được thì cũng không sao. Mình sẽ cố gắng hết sức"

Kiểu kiểu vậy. Trước ngày thi thì nên thư giãn nghỉ ngơi để đầu óc được thoải mái. Nếu vô phòng thi thấy căng thẳng quá thì có thể hít thở đều. Mình nghĩ những tips này chỉ áp dụng cho những bạn thi Đại học, vì sau khi Đại học rồi chẳng có kì thi nào là đáng sợ nữa cả.

5. Tổng kết

  • Muốn học giỏi thì hãy chăm thể dục thể thao.
  • Hãy sử dụng phương pháp ẩn dụ và so sánh để hiểu kiến thức mới nhanh hơn. (Một cách diễn giải khác của Feynman technique)
  • Nếu không sinh ra là Messi thì hãy cố gắng để trở thành Ronaldo.
  • Tìm một nhóm để học cùng nhau, nếu chơi được cùng nhau nữa thì càng tốt.
  • Chuẩn bị kĩ trước khi thi và bình tĩnh tự tin trong khi khi.

Vậy là cuối cùng mình cũng kết thúc cái series này. Hi vọng đã giúp được gì đó cho các bạn.

6. Nguồn

https://www.coursera.org/learn/learning-how-to-learn